Điều kiện tự nhiên với Ý thức thẩm mỹ của người Nhật

Người ta vẫn thường nhắc đến Nhật Bản như là một quốc gia của những thành tựu công nghệ dường như chỉ có trong viễn tưởng hoặc một “Con rồng châu Á” với nền kinh tế lớn mạnh hàng đầu thế giới. Ở một khía cạnh nào đó, người ta nói về Nhật Bản trong sự tò mò nơi nền văn hóa thâm trầm huyền bí đậm chất Á Đông và cả nơi những cư dân da vàng bé nhỏ với lễ nghi tuyệt đối và tinh thần quật cường đáng khâm phục. Nhưng trước sau, thứ khiến “Đất nước mặt trời mọc” tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhất trong lòng bạn bè quốc tế chính là phương cách mà con người Nhật Bản, đất nước Nhật Bản tận dụng những tài sản ít ỏi được tự nhiên ban tặng, hay vượt lên trên tất cả những khắc nghiệt để xây dựng đất nước mình. Điều kiện tự nhiên có tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa-xã hội Nhật Bản và cũng không thể phủ nhận, đối với người Nhật, tự nhiên chính là một phần cuộc sống của họ. Sự tác động và ảnh hưởng chặt chẽ này được phản ánh rõ nét qua Ý thức thẩm mỹ. 
Điều kiện tự nhiên Nhật Bản có thể được khắc họa với hai đặc điểm chính: Sự khắc nghiệt của địa hình cũng như khí hậu cực đoan khiến Nhật Bản thường xuyên phải gánh chịu những trận thiên tai lớn, gây ra không ít thiệt hại về mạng người và của cải. Chưa kể đến việc trữ lượng tài nguyên khoáng sản ít ỏi, nghèo về chủng loại và diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp lại khiến cho đời sống cư dân Nhật Bản thêm phần vất vả. Nhưng ngược lại, thiên nhiên lại ban tặng cho quốc gia này bầu sinh quyển có khí hậu biểu hiện tính mùa rõ nét, đa dạng về địa hình  và tài nguyên sinh vật phong phú, quý hiếm và độc đáo. Phải nói rằng, cảnh quan thiên nhiên xứ Phù Tang vô cùng đẹp đẽ và cũng hết sức linh hoạt, đặc trưng. Chịu sự tác động lớn bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng đồng thời cũng sinh tồn nhờ bởi môi trường tự nhiên đó, nên như một lẽ thường tình, thiên nhiên đi vào đời sống con người Nhật Bản và thể hiện ngay trong nhân sinh quan  của người Nhật, quan điểm về vẻ đẹp thường nhật và cái đẹp lý tưởng.
Nhật Bản là một quốc đảo hầu như tách biệt khỏi lục địa Á-Âu, với địa hình đồi núi chiếm tới 4/5 (73%) diện tích tự nhiên, có nhiều  dãy núi lớn, phần nhiều là từ đáy biển đội lên theo hình vòng cung, hầu hết là núi lửa. Còn lại phần nhiều là các bồn địa và cao nguyên. Nhật có ít đồng bằng và thường nhỏ hẹp, gây canh tác khó khăn. Đất chật, người đông. Nhìn xung quanh chỉ có đồi núi trập trùng mà khó có thể tìm thấy một không gian bằng phẳng đủ rộng lớn bạt ngàn sải cánh chim bay. Có lẽ cũng vì thế mà người Nhật thường không có những công trình vĩ đại, hoành tráng như các cường quốc khác mà chuộng cái đẹp vừa phải, nhỏ xinh mà duyên dáng. Cũng vì thế tính cách con người Nhật Bản thường có xu hướng thu hẹp về hướng nội hơn là mở rộng ra bên ngoài, ít quản giao, ít ồn ào hơn mà thâm trầm và sâu lắng hơn.
Và bởi nhỏ bé, nên người Nhật ưa thích sự giản dị hơn là những gì hào nhoáng, rực rỡ. Điều này thể hiện rõ trong cách lựa chọn trang phục thường ngày. Bên cạnh việc ăn mặc theo mùa hay theo dịp lễ, tết, người Nhật chủ yếu coi trọng việc ăn mặc thoải mái, năng động, bền và tiện. Màu sắc thường đơn giản với các gam màu trầm hay trung tính kiểu Jimi (地味-Đơn giản) hơn là những gam màu nóng chói kiểu Hade (派手-Lòe loẹt). Những gam màu này cũng như một phương thức đưa tâm hồn người mặc đến gần gũi và hòa hợp với tự nhiên hơn. Hòa hợp với thiên nhiên là một tiêu chí vô cùng  quan trọng với người Nhật trong đời sống sinh hoạt nói chung và ăn mặc nói riêng. Ngay cả trên những bộ Kimono truyền thống rực rỡ nhất vào những dịp lễ hội náo nhiệt nhất, thì họa tiết hầu như cũng được lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hình ảnh muôn hoa, muôn thú, động thực vật hay cảnh quan đều góp mặt đầy đủ và tinh tế, được cách điệu sao cho mang đậm bản sắc dân tộc mà cũng không kém phần thời thượng.

Quốc phục Kimono với những họa tiết thiên nhiên

 Đó là trang phục truyền thống, còn với thời trang hiện đại, với các bạn trẻ thành thị năng động và vẫn đang từng ngày từng giờ cập nhật những xu hướng mới, thiên nhiên vẫn không ngừng phả hơi thở tươi mát vào những bộ váy áo xúng xính trên phố. Một trong số đó nổi bật phong cách thời trang  Mori Girl- Những cô gái trong rừng hay Natural Kei- Những nàng công chúa bìa rừng.Điểm chung của nhưng xu hướng thời trang này là lấy cảm hứng từ rừng già.
Lấy cảm hưng từ thiên nhiên, phong cách Mori Girl thường thấy đó là những gam màu trầm, nhẹ nhàng gợi lên màu sắc thiên nhiên như be, nâu, đất, rêu,… Chú trọng sự giản dị và hài hòa với thiên nhiên, các cô gái Mori thường lựa chọn phong cách trang điểm tông màu nhạt và gợi tới thiên nhiên: cam đào, hồng cam,… Nếu như phong cách Mori Girl mang nghĩa “cô gái trong rừng”, thì phong cách Natural Kei cũng gợi tới thiên nhiên. Chỉ khác nó mang nghĩa miêu tả các cô gái sống ở ngôi làng ngoài bìa rừng. Trang phục may vừa vặn hơn so với Mori Girl.
Những cô gái của rừng già

         Mặc gắn liền với thiên nhiên thì ăn cũng không ngoại
  lệ. Chúng ta đều biết rằng ẩm thực Nhật Bản không chỉ đơn thuần là chuyện làm sao cho no bụng mỗi ngày mà đã vươn lên trở thành một di sản văn hóa, một nghệ thuật tinh tế lừng danh thế giới. Ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa. Do địa thế và lãnh thổ trải dài 25 độ vĩ tuyến, khí hậu của Nhật Bản tương đối phức tạp và mang tính mùa rõ rệt với hai loại  khí hậu chính là cận nhiệt đới và ôn đới. Tuy nhiên, dù ở vùng khí hậu nào thì các mùa ở Nhật Bản cũng phân hóa rõ rệt với những đặc trưng không thể nhầm lẫn. Từ đó mà các sản vật từ tự nhiên cũng thay đổi kéo theo xu hướng thưởng thức ẩm thực theo mùa. Mùa nào thức ấy.
Mùa đông giá lạnh qua đi, để chào đón mùa xuân đến người Nhật thưởng thức món cá Shirouo và dùng bánh Sakura mochi, gạo Anh Đào để mừng mùa Anh Đào nở.
Đến mùa hè oi bức, các món tính mát như cà tím nướng, lươn, đậu Edamame hay các món mỳ lạnh, ví dụ như mỳ tôm lạnh, mỳ sợi mỏng Somen, ngoài ra phải kể đến các món đậu hũ: khổ qua xào đậu hũ – nổi tiếng nhất là ở vùng Okinawa, tào phớ Nhật Bản.
Mùa thu tiết trời se lạnh, khí hậu tương đối dễ chịu. Mùa này lại thịnh hành món khoai lang nướng, bánh Nama-gashi trông giống hình bạch quả hay quả hồng chín, và món lăn bột chiên Tempura.
Vào mùa đông, thời tiết chuyển lạnh, mùa này thích hợp để ăn các món lẩu, chè đậu đỏ nóng, canh Oden. Bên cạnh đó, người Nhật có loại bánh Higashi hình tuyết cũng rất ngon miệng; họ còn ăn các loại quýt, họ coi đây là biểu tượng mặt trời và thường dùng làm quà cho năm mới.
Nhật Bản có đường bờ biển dài với nhiều biển thông nhau, phần lớn biển không đóng băng. Từ phía Nam Nhật Bản có hải lưu Kuroshio chảy qua, từ phía Bắc xuống có hải lưu Oyashio tạo thành ngư trường rộng lớn giàu nguồn lợi về thủy sản. Vì vậy, thủy hải sản là một trong những niềm tự hào của ẩm thực Nhật Bản với những món ăn độc đáo, tươi ngon và giàu chất dinh dưỡng. Có lẽ nhắc đến ẩm thực Nhật Bản thì Sushi là món ăn mà nhiều người nhớ đến ngay đầu tiên. Một góc độ nào đó có thể hình dung Sushi là một hình ảnh biểu tượng cho ẩm thực Nhật Bản.Từ xưa, người Nhật đã biết cách ủ cá, tôm, hải sản vào nắm cơm để giữ được mùi vị thơm ngon. Khi ủ, cơm thường được trộn với một chút giấm cho chua chua ngọt ngọt. Mà cũng chính vì thế mà cá ủ trong cơm được chuyển hóa thành Sushi. Ngày nay với việc sử dụng thêm các gia vị chế biến bổ trợ đã tạo nên độ tươi, hương vị nguyên chất, và cảm nhận hết cái ngon của các loại hải sản giàu protein này. Sushi chính là một kiệt tác thành công trong cách chế biến ẩm thực của người Nhật Bản. Gỏi cá sống Sashimi cũng là tuyệt phẩm ẩm thực mang đến cho người ăn những trải nghiệm tuyệt vời từ những lát cá tươi ngon mát lành của biển.
Những lát cá sống tuyệt hảo

          Người Nhật thưởng thức món ăn bằng cả vị giác và thị giác. Do đó mà việc bài trí món ăn đối với người Nhật đặc biệt được chú trọng. Họ luôn sáng tạo bằng cách tìm ra những cách trưng bày món ăn thật tỉ mỉ, chăm chút đến từng chi tiết về màu sắc, hình thù của món ăn cho đến các sử dụng và sắp xếp các loại chén đĩa trên bàn ăn. Chính vì vậy mà món ăn Nhật luôn toát ra một vẻ đẹp từng đường nét cho đến cách phối màu khiến người thưởng thức không thể rời mắt, chỉ nhìn thôi cũng cảm thấy ngon miệng.
Không chỉ đẹp mắt và ngon miệng, các món ăn Nhật Bản còn chú trọng đến giá trị dinh dưỡng của từng món ăn để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe cho con người. Ít ngọt, ít béo và sử dụng nhiều các loại rau củ, đậu là những đặc trưng của ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Đặc biệt mùi vị các món ăn Nhật đơn giản hơn nhiều so với các món ăn của phương Tây, bởi người Nhật muốn giữ lại nhiều nhất màu sắc và hương vị tự nhiên của thiên nhiên trong từng món ăn.
Không chỉ thể hiện nét tinh tế trong cách chế biến và trình bày món ăn, ẩm thực Nhật Bản còn thể hiện sự tinh tế trong tâm hồn. Mang trong mình những triết lý cao đẹp và sâu sắc về cuộc sống, thông qua món ăn, người Nhật muốn gửi gắm trong nó những nét đẹp của văn hóa, niềm tự tôn dân tộc, giá trị truyền thống ẩm thực lâu đời, khát vọng giao hòa và làm chủ thiên nhiên. Món ăn tao nhã, có màu sắc bắt mắt, hài hòa cả về màu sắc lẫn hương vị, hương thơm nhẹ nhàng và tinh khiết để lại dư vị mạnh mẽ trong lòng người thưởng thức. Đó chính là những yếu tố làm nên sự tinh tế và đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực của đất nước mặt trời mọc.
Nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao của người Nhật Bản

      Thiên nhiên tất yếu sẽ hiện diện rõ nét trong nhất trong môi trường sống của từng cá nhân, từng hộ gia đình trên quốc đảo Nhật Bản.
Hướng về tự nhiên là xu hướng chủ đạo trong kiến trúc Nhật Bản suốt chiều dài lịch sử. Để thể hiện không gian không giới hạn, gia chủ ưa chuộng sử dụng cửa trượt kính, khung gỗ. Bằng các này có thể nắm bắt được tầm nhìn ra khu vườn ngay cả khi cửa đã đóng. Ngay cả khi ngôi nhà phố hầu như được bịt kín bởi ba phía. thì vẫn cố gắng mở ở mặt sau hướng nam trông ra phía khu vườn Trong điều kiện nào dù khó khăn về thiên nhiên hoặc chật hẹp về không gian và diện tích… người Nhật luôn cố gắng tạo ra một khoảng nhỏ có hoa, có lá hay những căn nhà không có sự ngăn chia nhằm tiếp cận không gian bên ngoài tối đa.
Ấn tượng nhất là các khu vườn Nhật Bản.Với người Nhật, khu vườn không chỉ là để tô điểm cho căn nhà mà làm vườn được coi là nghệ thuật cao quý cần được lưu giữ và phát triển. Khu vườn không khác gì một tác phẩm nghệ thuật của gia chủ. Vườn được thu nhỏ đại diện cho cảnh quan và những địa điểm đẹp nổi tiếng. Quang cảnh đồi núi và sông được thu nhỏ bằng cách dùng đá và cát. Chủ nghĩa tượng trưng được sử dụng rất nhiều trong mỗi sân vườn cảnh Nhật Bản. Cát hay sỏi được cải tạo ra những dáng vẻ của con sông, một quả núi và đá cuội nhỏ có thể đại diện cho những ốc đảo nhỏ.Lấy cảnh quan thu nhỏ một cảnh quan để trồng cây và bổ sung nhiều yếu tố sinh động thêm cho vườn. Kiểu thiết kế vườn này làm cho vườn có một ý nghĩa phong cảnh hiện hữu và sẽ là một phần của thiết kế chung. Một khu sân vườn cảnh kiểu Nhật cơ bản sẽ bao gồm các yếu tố :  cây cảnh, hồ nước, những thực vật nhỏ và đá. Theo những cao nhân làm vườn, khu vườn cảnh là một cách chính xác mô tả thiên nhiên và cũng thể hiện lòng kính trọng của con người với Mẹ tự nhiên. Khi nhìn vào một khu vườn của Nhât, người ta có thể cảm nhận được bốn mùa được kết hợp trong đó. Phong cách thiết kế vườn Nhật Bản có rất nhiều loại, và chủ yếu là 3 phong cách truyền thống : Karesansui, Chaniwa và Tsukiyama. Nhìn vào một khu vườn truyền thống phong cách Nhật, bạn sẽ cảm nhận được một không gian yên ắng, thanh bình. Nhưng điều đó không khiến ta phải cảm thấy nhàm chán mà nó sẽ làm cho ta có cảm giác tò mò để rồi ngắm nhìn khu vườn lâu hơn, kỹ hơn để hiểu được những sự tinh tế trong thiết kế của khu vườn đồng thời làm cho tâm hồn ta thấy thanh thản hơn. Đây chính là tấm gương phản chiếu tinh thần thiền Phật giáo, Thần đạo đậm nét cổ truyền Nhật Bản.
Một khu vườn Nhật đơn giản nhưng đẹp tinh tế

Ý thức thẩm mỹ của người Nhật gắn liền với thiên nhiên và hòa hợp tuyệt đối với chúng. Khi những nhu cầu ăn-mặc-ở đã được giải quyết, người ta tìm đến những phương cách để thỏa mãn nhu cầu làm đẹp tâm hồn.
Văn học là một trong những phương thức xuất hiện sớm và gần gũi hơn cả. Mà trong đó những bài thơ Haiku truyền thống cũng không quay lưng với quy tắc gắn bó mật thiết với thiên nhiên bốn mùa. Thậm chí trong luật thơ bắt buộc phải có Quý ngữ-từ ngữ chỉ mùa.(季語) Hầu như nội dung của bài thơ cũng chỉ xoay quanh những cảnh sắc tuyệt vời và mùa màng trong năm tại Nhật Bản.
Mùa xuân, hoa Anh Đào kết thành từng chùm, từng đám mây hoa tráng lệ làm say đắm lòng người
“Một đám mây hoa
Chuông đền Ueno vang vọng
Hay đền Asakusa”
                                                  (Basho)
Một mùa hạ với những cơn mưa thổn thức cả không gian.
“Mưa tháng năm rơi
Và những con ếch
Bơi đến cửa nhà tôi.”
                     (Sanpu)
Mùa thu quả nhiên vô cùng thơ mộng và dịu êm
“Gió mùa thu
làm sao em bé hái
hoa tím bây giờ!”
                       (K. Issa)
Mùa đông Nhật Bản cũng hiện lên chân thực khiến độc giả không gặp mà chợt thấy buốt lạnh tự bao giờ.
Đã rơi năm nào
Tuyết mà ta ngắm
bây giờ lại rơi
                                                 ( Basho)


Thiên nhiên Nhật Bản thật đẹp đẽ nhưng cũng thật khốc liệt, cái đẹp cũng thật ngắn ngủi và mong manh. Có lẽ cũng chính vì thế mà người Nhật tôn thời loài hoa Anh Đào chóng nở chóng tàn, khi nở thì mang cái đẹp phi thường choáng ngợp mà lại mông lung. Vừa mạnh mẽ lại vừa yếu đuối. Hoa Anh Đào giống như con người Nhật Bản nhỏ bé trước tự nhiên nhưng lại có vòng đời huy hoàng, tráng lệ. Cái chết trong quan niệm của người Nhật Bản, vì thế cũng là cái chết đẹp. Cái chết phải đảm bảo thẩm mỹ và lòng tự tôn của con người.
Quan niệm  này được minh chứng hầu hết qua mọi mặt cuộc sống của người Nhật: Võ sĩ vào trận chỉ một là chiến thắng hai là mổ bụng tự sát. Người già Nhật Bản ngày xưa vào núi ở tuổi 70, chết trong núi để khỏi ảnh hưởng đến con cái. Nam nữ yêu nhau không lấy được nhau, rủ nhau đến vùng xa xôi nào đó, trao thân rồi cùng tự sát. Các nhà văn Nhật Bản có truyền thống tự sát vì tuổi già sộc đến, cái đẹp họ suốt đời tìm kiếm đã rời xa. Cảm thức thẩm mĩ không cho phép họ níu kéo sự sống. Và họ muốn ra đi vào lúc trong lòng vẫn vẹn nguyên cái đẹp, và trong con mắt của mọi người họ đang được sự ngưỡng mộ nhất.Trong bối cảnh xưa,   người Nhật không kiểm soát được việc phá thai. Nếu người mẹ sinh đứa con mà cảm thấy không nuôi nổi thì thường giết. Họ cho rằng thà để đứa con chết đi còn nhân đạo hơn để nó sống trong cực nhục…
Có thể lý giải nguyên nhân để người Nhật có những suy nghĩ như trên là do sự thích nghi với hoàn cảnh sống của họ:
Thứ nhất, người Nhật sống trong vùng đất với thiên tai với động đất, núi lửa, sóng thần, bão tố. Cái chết xảy ra bất cứ lúc nào. Con người thường xuyên đối mặt với cái chết và vì vậy người ta hiểu giá trị của sự sống hơn bao giờ hết. Vì thế người Nhật chọn hoa Anh Đào là quốc hoa của mình , một loài hoa thoắt nở thoắt tàn. Chính vì cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng giống như hoa Anh Đào quá mong manh khiến lòng người trở nên rất tinh tế và nhạy cảm hơn về cái chết và quan điểm cái chết ”đẹp”.
Thứ hai,qúa trình phát triển của nước Nhật trong lịch sử có rất nhiều cuộc nội chiến , tranh đoạt quyền lực liên miên giữa các dòng họ gây ra tình trạng đất nước lúc nào cũng chìm trong không khí tang tóc và đau thương nên con người ta chấp nhận và đối diện với cái chết một cách bình tĩnh hơn, như một nỗi sợ hãi được tập dần thì bạn sẽ cảm thấy can đảm để đối diện với nó hơn.
Thứ ba, về tôn giáo bản địa thì ngừoi Nhật bị ảnh hưởng bởi Thần đạo, Phật giáo, Thiền tôn thờ cái hư không, tính chất vô thường của cuộc đời nên gieo vào tâm hồn người Nhật sự tĩnh tại, an nhiên, chấp nhận sự đổi thay hay mất mát.
Và chính vì những lý do trên nên quan niệm của ngừoi Nhật về cái chết là họ hướng đến một cái chết ”đẹp”, một cái chết có ý nghĩa khi sự sống đã đến lúc phải kết thúc.Con người thấu hiểu sinh-tử là lẽ thường của mọi sự sống, là con người giác ngộ. Đồng thời cũng thấu hiểu quy luật của sự phát triển. Có thịnh ắt có suy và có sống ắt có chết , sự sống là không thể cưỡng cầu. Chính điều này làm người Nhật cảm thấy thật buồn cười cho những người cứ mong tìm thuốc trường sinh, hay nghiên cứu về gen chống lão hóa. Bởi vì người Nhật nghĩ mỗi thế hệ có nhận thức khác nhau, và tư duy con người tới lúc sẽ trở nên già cỗi bởi Tự Nhiên chỉ giao cho mỗi thế hệ làm được một chút gì đó rồi nhường lại cho thế hệ kế cận làm tiếp công việc của mình.
Cụ thể hơn là đến lúc nào đó tư duy của thế hệ trước sẽ cứng lại trước những đổi thay của xã hội, hoàn cảnh, không thể tiếp thu mọi tư tưởng mới. Từ đó dẫn đến tính bảo thủ tăng lên. Nếu thế hệ đó không chết đi, không ngã xuống thì sự bảo thủ sẽ gây trì trệ xã hội và làm chậm bước phát triển của đất nước và nhân loại. Vì thế cái chết là cần thiết để xã hội tiếp tục phát triển. Khi sự sống không còn hữu ích thì cái chết mang tới giá trị cao hơn.
Cái chết cũng mang tính thẩm mỹ

        Người Nhật tâm niệm rằng biết chết sẽ biết sống. Khi thường xuyên đối mặt với cái chết, được giáo dục về cái chết và sự mất mát, người ta sẽ yêu sự sống hơn, yêu những gì đang có và có ý thức giữ gìn nó hơn. Họ ý thức về cái chết để hiểu rõ giá trị của sự sống chứ không phải để ủ rũ và chìm trong thất vọng và sợ hãi.
Người Nhật nghĩ không sợ chết nên không có gì đáng sợ với người Nhật. Vì không sợ chết nên họ có thể vượt qua các nỗi sợ hãi khác kiềm chế sự phát triển của đất nước và thế giới. Họ đã sống hết mình bằng ý chí và sự nỗ lực tột cùng, tạo nên sự phát triển của Nhật rất nhanh để trở thành cường quốc.
Như vậy, có thể khẳng định, điều kiện tự nhiên đã ảnh hưởng và chi phối sâu sắc đến mọi mặt đời sống văn hóa xã hội Nhật Bản mà rõ nét nhất là Ý thức thẩm mỹ.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.