Vì sao người phương Đông quan tâm đến linh hồn và cái chết?
Linh hồn trong tư tưởng tín ngưỡng và triết học, trong niềm tin của nhân loại là bản chất tự nhận thức bản thân đặc trưng của một sinh vật nào đó. Theo những tư tưởng này, linh hồn sát nhập bản chất bên trong của mỗi sinh vật và là cơ sở cho trí tuệ.
Nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng tin rằng, linh hồn là sự thống nhất của ý thức về đặc tính của một cá thể. Khái niệm về linh hồn có những liên hệ chặt chẽ với những ý niệm về cuộc sống sau khi chết, nhưng có nhiều ý kiến rất khác nhau về điều gì xảy ra với linh hồn sau khi chết đi.
Hình 1.1.1. Linh hồn vẫn còn là bí ẩn với khoa học
Do vậy, tuy đa số các nhà khoa học chưa khẳng định dứt khoát nhưng họ vẫn cho rằng: Bộ não là linh hồn. Mặc dù vậy, vẫn chưa có sự chứng minh thỏa đáng cho quan điểm này và câu hỏi: Linh hồn là gì vẫn được đặt ra như sự thách thức với giới khoa học. Kèm theo đó là vô số hiện tượng tâm lí kì lạ, hiện tượng siêu nhiên xảy ra mà không có cách nào lí giải được.
Linh hồn tồn tại hay không tồn tại? Linh hồn phi vật chất hay là thực thể? Sau khi chết rồi linh hồn đi về đâu? Chính những câu hỏi chưa thể lí giải này khiến cho vấn đề linh hồn và cái chết trở thành ẩn số lớn nhất của loài người nói chung. Nhưng những gì kì bí và mơ hồ dường như lại là chủ đề được con người phương Đông quan tâm, băn khoăn và khao khát lí giải hơn cả. Vì sao lại như thế?
Hình 1.1.2. Đau buồn khi người thân qua đời
Văn hóa phương Đông là một nền văn hóa mang đậm tính chất nông nghiệp-nông thôn. Đặc điểm này khiến cho các cư dân Đông phương có phương thức tư duy chủ toàn và tổng hợp, nghĩa là luôn mong muốn khái quát từ hiện tượng, cá biệt thành tổng thể qui luật chung. Điều này cũng dẫn tới việc người phương Đông thường thích đặt ra những câu hỏi mang tính qui luật và trừu tượng. Như những câu hỏi về lẽ sống-chết hay linh hồn là ví dụ. Đó cũng là nguyên nhân phương Đông huyền bí là cái nôi của nhiều tư tưởng triết học và tín ngưỡng, tôn giáo lớn của thế giới.
Bên cạnh đó, về phương thức sống, văn hóa truyền thống phương Đông mang đặc điểm trọng tĩnh, hướng nội và khép kín. Vì vậy, thay vì hướng ra bên ngoài như phương Tây, người phương Đông lại có xu hướng quay vào đào sâu vào nội tâm, bản ngã con người với những khái niệm như tâm lí, tâm linh, nhận thức, tìêm thức, minh triết, trực giác… Các khái niệm này đồng nghĩa với triết học Duy tâm, tin vào các thế lực siêu nhiên, phi vật chất, thoát khỏi khoa học tự nhiên. Đồng nghĩa với linh hồn, ma quỷ hay thần thánh, các tôn giáo và tín ngưỡng.
Trong quan hệ giữa người với người, văn hóa phương Đông thiên về tính cộng đồng và cách ứng xử tình cảm, mềm dẻo. Khi một người thân hay đơn giản chỉ là một người quen trong cộng đồng người Á Đông lìa bỏ cõi đời, người sống hầu như lập tức nảy sinh tình cảm buồn thương, luyến tiếc, khó lòng chấp nhận mất mát chia lìa này.
Do vậy, trong tiềm thức, người sống luôn muốn tìm hiểu về cái chết, về những gì sau cái chết. Mong muốn duy trì sự kết nối với người thân hay bạn bè mình. Vì cái chết là một điều không thể tri giác, họ lo lắng, băn khoăn về người đã khuất, trong lòng ưu ái muốn người chết cũng được tốt đẹp như khi còn sống nên luôn tìm hiểu về linh hồn và cái chết. Hay nói cách khác, tự nhiên hình thành những quan niệm, tư tưởng về linh hồn và cái chết như một phương thức gửi gắm tình cảm của mình.
Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận rằng trong đời sống hằng ngày, đã có vô số những hiện tượng kì bí, siêu nhiên mà ngay cả các nhà khoa học ưu tú nhất cũng chưa thể đưa ra lời giải thỏa đáng. Nhiều điều lạ đã xảy ra, và lạ lùng là, thường xảy ra ở các nước phương Đông. Các hiện tượng này khiến người Đông phương càng bị thu hút hơn, quan tâm hơn, mong muốn tìm hiểu để lí giải, làm sáng tỏ hơn nữa những điều còn ẩn giấu trong cuộc sống.
Thêm bình luận