Vài nét về linh hồn và cái chết trong quan niệm của một số nước phương Đông.( Kỳ 1)

1.Ai Cập cổ đại:
Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ nhất của thế giới nói chung và phương Đông nói riêng. Ngoài những thành tựu vượt bậc về cả văn học-nghệ thuật và  khoa học tự nhiên, người Ai Cập cổ đại đã sớm hình thành những tư tưởng triết học hoàn chỉnh như hệ thống tôn giáo và kể cả quan niệm rõ ràng, sâu sắc về cái chết, về linh hồn.


Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng việc thờ người chết. Họ quan niệm rằng trong mỗi con người đều có một hình bóng gọi là “can”(linh hồn) hoàn toàn giống như người đó như cái bóng ở trong gương. Khi con người mới ra đời thì linh hồn chui vào trong thân thể, khi con người chết thì linh hồn rời khỏi thể xác.Từ đó, linh hồn tồn tại độc lập nhưng người sống không thể nhìn thấy, chỉ có thề thấy được trong giấc mộng. Linh hồn tồn tại cho đến khi linh hồn người chết hủy nát thì mới chết hẳn. Nhưng nếu thi thể được bảo tồn thì linh hồn, một lúc nào đó sẽ nhập vào thể xác và con người sẽ sống lại. Chính vì quan niệm như vậy nên người Ai Cập cổ đại mới có tục ướp xác.
Khi ướp xác, người ta lấy óc và ruột gan của người chết ra qua đường mũi rồi ngâm thi thể vào dung dịch nước muối. Sau 70 ngày vớt ra dùng mạt cưa và hương liệu nhồi vào bụng rồi dùng vải quấn lại, sau đó bỏ vào quan tài bằng đá. Đề linh hồn nhanh chóng tìm được thân xác của mình, trên nắp quan tài có chạm  hình của người chết. Hơn nữaở bên cạnh mộ còn dựng tượng người chết bằng đá hoặc bằng gỗ. Tùy vào địa vị của người chết mà đồ tùy táng có mức độ hoành tráng khác nhau. Xác ướp của các nhân vật quyền quí xưa thường được đặt trong các Kim tự tháp-lăng mộ khổng lồ được các pháp sư đặt nhiều bùa phép ma quái, nhiều mê cung , bẩy rập cũng như nhiều phòng táng, quan tài giả để tránh kẻ bên ngoài xâm nhập vào phá hoại.


Người Ai Cập cổ đại tin rằng, thế giới âm phủ cũng giống như thế giới trần gian, ở đó cũng có sông Nile, thần Ra ngự thuyền đi trên đó. Chúa tể của âm phủ là thần Odirix. Người mới chết phải chịu sự xét xử của vị thần này. Khi xét xử, thần Odirix ngồi trên ngai vàng,  người chết được giải     đến trước mặt thần. Thần Tốt và thần Anubix ( Thần dẫn người chết ở âm phủ, mình người, đầu chó sói) cân quả tim của người chết, đĩa cân bên kia là nữ thần công lí và chính nghĩa. Nếu người chết có nhiều tội thì trái tim sẽ nặng, lập tức người chết bị một con yêu quái đến ăn thịt.

Nhiều Kim tự tháp cũng như hầm mộ chứa xác ướp Ai Cập cổ đại được bảo quản nguyên vẹn đến ngày nay, giúp mang lại cái nhìn sinh động, toàn cảnh về quan niệm và cách ứng xử của người Ai Cập cổ trước cái chết và các linh hồn.



2.Ấn Độ và các vùng phụ cận:
Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh. Trong đó, đạo Hindu chiếm tới 80,5 % dân số. Cái nôi của tôn giáo này nằm ở thành phố Varanasi, bên bờ sông Hằng thiêng liêng. Đây cũng là nơi tiến hành một trong những phong tục hỏa táng người chết được cho là... đáng sợ nhất trên thế giới.


Thiêu xác chết rồi thả trôi xuống dòng sông mẹ thiêng liêng là một nghi lễ truyền thống của người theo đạo Hindu. Trong nhiều thế kỉ, người sống đến với Varanasi để tĩnh tâm, thiền định, cầu nguyện và đắm mình trong dòng nước của sông Hằng. Và rồi đến khi chết đi, họ có ước vọng muốn được trở về với sông Mẹ.Nghi lễ cổ xưa này được thực hiện ở những bậc đá lớn bên bờ sông. Trước khi cử hành tang lễ, người quá cố được đặt cẩn thận trên những đống củi to lớn, vuông vức. Họ cho rằng, làm như thế này sẽ giúp linh hồn người đã khuất bay lên được đến thiên đường.Manikarnika và Harishchandra là hai bên sông chủ yếu dùng để tiến hành nghi thức hỏa thiêu từ nhiều thế kỉ nay. Theo tương truyền, vị đạo sĩ Hindu Harishchandra xưa kia đã từng làm việc tại những bậc đá bên bến sông Hằng khi bị bán làm nô lệ. Để tưởng nhớ, một bến sông đã được đặt theo tên ông.Ngày nay, tang lễ được tiến hành bởi một nhóm người Dom - một bộ tộc chuyên nhận việc thiêu xác chết. Kì lạ ở chỗ, những người này khóc khi một đứa trẻ được sinh ra và vui mừng  khi đứa trẻ ấy lớn lên, già và chết đi. Theo họ, cái chết chính là sự giải thoát khỏi một cuộc sống trần tục khổ ải. Công việc thiêu xác ở đây “độc quyền” trong tay các Dom. Trong lúc diễn ra cuộc hỏa thiêu, các thầy tu (mặc áo vàng trong ảnh) sẽ thắp nến, cầu nguyện cho người chết tới khi cái xác chỉ còn lại đống tro tàn.  Những tín đồ Hindu cho rằng, Varnarasi là một nơi tốt để chết. Ở nơi đây, những người chết trong nước thánh của sông Hằng sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia. Đáng ngạc nhiên hơn khi cả người nổi tiếng ở phương Tây như George Harrison cũng mong tro của mình được rắc ở nơi đây.  Lễ thiêu xác bắt đầu với công việc bọc xác người chết trong một “quan tài” đặc biệt. Đó là vải màu vàng (hay bạc) cùng với các vật dụng đặc trưng của tín đồ Hindu giáo.

 Tùy theo xuất thân và hoàn cảnh gia đình của người mất, gỗ trầm và đàn hương sẽ là sự lựa chọn tương ứng cho phù hợp. Những loại gỗ thơm đặc biệt chỉ dành cho những người giàu có và địa vị cao mà thôi. Theo truyền thống, phụ nữ bị cấm tham dự tang lễ vì họ rất dễ khóc. Người theo đạo quan niệm, nhìn thấy cái chết là một dịp mừng vì người quá cố rồi sẽ được tái sinh nhờ nước của sông Hằng. Trước khi vào giàn thiêu, cơ thể người quá cố được “tắm” qua nước sông Hằng, chà xát với bơ làm từ sữa trâu theo tín ngưỡng tôn giáo. Nếu người mất là con trai thì sẽ được đặt nằm ngửa mặt, phụ nữ sẽ hỏa táng úp mặt. Người châm lửa thường là trưởng nam trong gia đình, dưới sự giám sát của các Dom.  Trung bình thời gian thiêu xác là khoảng hơn ba tiếng đồng hồ. Đạo Hindu cho rằng, nếu hộp sọ của người mất nổ thì tức là gia đình họ sẽ gặp may mắn, người chết đã lên được thiên đàng. Còn nếu không thì người đại diện đưa tang sẽ đập vỡ hộp sọ sau khi lửa tắt. Sau khi hỏa táng, tro tàn còn lại sẽ được rải xuống sông Hằng. Đây mới thực sự là điều quan trọng đối với tín đồ Hindu giáo. Ngay cả khi chúng chưa thực sự cháy hết, người ta cũng thả xuống sông xương cốt và các bộ phận còn sót lại. 

Ở Ấn Độ, những đám hỏa táng theo tôn giáo như thế này diễn ra hàng ngày với tần suất và số lượng khá lớn. Bên cạnh khía cạnh tâm linh, nó cũng là một mối lo lớn với chính quyền Ấn Độ bởi sông Hằng ngày càng bị ô nhiễm. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của những người dân địa phương.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.